Đạt 3.000 USD/tháng, mức lương của các kỹ sư trí tuệ nhân tạo và kiến trúc sư điện toán đám mây thuộc hàng cao nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin năm nay, chỉ đứng sau các cấp quản lý và kiến trúc sư công nghệ.
VÌ SAO KỸ SƯ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ KIẾN TRÚC SƯ ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY ĐANG ĐƯỢC SĂN ĐÓN?
Báo cáo Thị trường IT Việt Nam – Developers Recruitment State 2021 của TopDev (nền tảng tuyển dụng và việc làm uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin) cho biết, tính tới Quý II năm 2021, kỹ sự trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và máy học (Machine Learning) là hai vị trí có mức lương trung bình cao nhất (đạt 3.054 USD – khoảng 70 triệu đồng/tháng) trong những vị trí kỹ sư công nghệ thông tin.
Khoảng thu nhập này cao gần gấp đôi mức lương của kỹ sư dữ liệu lớn (Big Data) – 1.695 USD/tháng, hơn hai lần lương của kỹ sư Backend – 1.300 USD/tháng), chuyên viên lập trình game – 1.215 USD/tháng và gấp 9,5 lần của nhân viên IT Helpdesk – chỉ 322 USD/tháng. Khoảng thu nhập này cao gần gấp đôi mức lương của kỹ sư dữ liệu lớn (Big Data) – 1.695 USD/tháng, hơn hai lần lương của kỹ sư Backend – 1.300 USD/tháng), chuyên viên lập trình game – 1.215 USD/tháng và gấp 9,5 lần của nhân viên IT Helpdesk – chỉ 322 USD/tháng. Đặc biệt, vị trí kiến trúc sư điện toán đám mây và kỹ sư trí tuệ nhân tạo lần lượt đứng thứ sáu, thứ bảy trong danh sách 10 công việc đạt thu nhập hàng tháng cao nhất, chỉ xếp sau các cấp quản lý và kiến trúc sư công nghệ.
Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, các vị trí được trả lương cao nhất thường yêu cầu ứng viên thông thạo kiến thức học máy, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu… Đặc biệt, năm nay, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số trong kinh doanh đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Đây cũng chính là lúc dịch vụ đám mây và DevOps(1) phát huy tầm quan trọng vốn có. Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư điện toán đám mây và DevOps của thị trường đã tăng lên đột biến.
Cũng theo báo cáo này, ba lĩnh vực có thu nhập dẫn đầu ngành công nghệ thông tin hiện tại là an ninh mạng, công nghệ cao và công nghệ tài chính (Fintech), cụ thể:
- Đại dịch đã dẫn tới sự thay đổi đáng kể về hành vi, nhu cầu của chúng ta từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, từ tại chỗ đến từ xa, đồng thời đặt ra hàng loạt thách thức về vấn đề an ninh mạng, quản lý, bảo mật và vận hành hệ thống dữ liệu.
- Bắt đầu du nhập vào nước ta từ năm 2015, lĩnh vực công nghệ cao (trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây…) được đánh giá là xu thế phát triển bắt buộc của tương lai.
- Công nghệ tài chính đóng vai trò ngày càng thiết yếu đối với các ngân hàng và hệ thống quản trị doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
HỌC CÁCH ĐÓN ĐẦU CUỘC ĐUA CHẤT XÁM TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin. Chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phù hợp chính là những ưu thế vượt trội tạo nên động lực phát triển của ngành trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn cung nhân lực của nước ta vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu mở rộng cùng tốc độ phát triển liên tục đó. Năm nay, các công ty công nghệ vẫn đang cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm những cá nhân phù hợp với tổ chức của mình. Họ sẵn sàng trả lương xứng đáng cho các ứng viên ưu tú, có trình độ chuyên môn cao và hội đủ những kỹ năng mềm cần thiết.
Để tìm được công việc phù hợp với mức thu nhập mơ ước, nhân sự ngành công nghệ thông tin cần:
- Chủ động cập nhật những công nghệ đột phá như: blockchain(2), máy học, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an ninh mạng, tự động hóa/ người máy, điện toán đám mây, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phương pháp luận phát triển phần mềm…
- Tích cực trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết như: tư duy phát triển, khả năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề…
—
(1) DevOps: từ viết tắt của Development (Dev) và Operations (Ops). Đây là phương pháp làm việc kết hợp giữa kỹ sư phát triển phần mềm (dev) với bộ phận operator (kỹ sư hệ thống, nhân viên bảo mật, kỹ sư mạng, kỹ sư hạ tầng…) nhằm rút ngắn vòng đời phát triển sản phẩm.
(2) Blockchain (chuỗi khối): một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian.